Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các nội dung, biện pháp PCCC&CNCH, với quan điểm lấy phòng ngừa là chính, chủ động sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, phương án chữa cháy và CNCH. Tuy nhiên, công tác PCCC&CNCH vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần sớm khắc phục, nhất là trong bối cảnh xuất hiện một số loại hình cơ sở mới tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho các cơ quan, đơn vị, cơ sở được triển khai rộng khắp
Trên địa bàn tỉnh, hiện có hơn 12.500 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có hơn 5.000 cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, chủ yếu là khách sạn, nhà nghỉ, chung cư, chợ, khu cụm công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH đã được đẩy mạnh. Các ngành, địa phương quan tâm phối hợp tổ chức tuyên truyền về công tác PCCC; mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH; hướng dẫn và tổ chức cho các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn tỉnh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC… Cùng với đó, công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chú trọng đã phát huy hiệu quả cao. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện khá nghiêm túc. Các thành viên Ban chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ sở nằm trong khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kho hàng nguy hiểm về cháy, nổ cao nằm trong khu dân cư.
Liên quan đến công tác chữa cháy và CNCH được Ban chỉ đạo thực hiện kịp thời. Các lực lượng chủ công như Công an, Quân đội đã huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ chiến sĩ và phương tiện, vật tư để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến khá phức tạp. Số vụ cháy rừng, cháy chợ, cháy các cơ sở kinh doanh, cháy nhà dân, cháy các kho chứa hàng hoá… vẫn còn xảy ra nhiều. Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về PCCC, chưa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an toàn PCCC, nhất là trong đầu tư xây dựng.
Công tác thanh, kiểm tra có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm, còn mang tính hình thức dẫn đến việc thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC chưa đầy đủ; chưa kịp thời và có trường hợp còn chây ì, không thực hiện. Trong khi đó, việc thực hiện các quy định về PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn sơ sài. Đa số lực lượng PCCC tại chỗ ở những cơ sở này còn kiêm nhiệm nên kỹ năng vận hành, sử dụng các trang thiết bị PCCC được trang bị còn thiếu về kỹ năng và yếu về khả năng xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra…
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, xuất hiện một số loại hình cơ sở mới tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao như: Loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, chuyển đổi công năng, tính chất sử dụng từ nhà ở sang kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, văn phòng cho thuê; các cửa hàng kinh doanh dịch vụ có lượng tồn chứa khí gas lớn… nhưng hiện vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể đối với loại hình cơ sở này, dẫn đến công tác quản lý Nhà nước về PCCC gặp nhiều khó khăn, bất cập và trên thực tế, đã có nhiều vụ cháy, nổ xảy ra tại các cơ sở này. Ngoài ra, hệ thống ao hồ, các bến lấy nước cho xe chữa cháy không đảm bảo, nhiều trường hợp có họng nước chữa cháy nhưng không có nước phục vụ công tác chữa cháy…
Trước thực tế trên, để làm tốt công tác PCCC&CNCH trong thời gian tới, theo yêu cầu của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC. Các ngành, địa phương phối hợp để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, giải quyết tình trạng công trình vi phạm quy định về PCCC trên địa bàn tỉnh như công trình, dự án xây dựng khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC, công trình chưa được nghiệm thu hoặc nghiệm thu chưa đạt về PCCC đã đi vào hoạt động, nhất là tại các loại hình chung cư, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, quán karaoke… Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, CNCH, nhất là tại các chung cư, nhà cao tầng…, tại các cảng biển, phương án PCCC rừng, phương án CNCH mùa mưa lũ…
Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH 24/24 giờ, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị và phương tiện chữa cháy, bảo đảm 100% phương tiện, trang bị trong diện thường trực phải hoạt động tốt, kịp thời tham gia xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra. Cùng với đó, rà soát, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các đội PCCC dân phòng và cơ sở theo quy định của Luật PCCC, nhất là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Về công tác thu hút đầu tư được khuyến khích nhưng phải bảo đảm các quy định về an toàn PCCC nhằm phục vụ tốt sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Theo: pcccanvinhphat.com